KHÁI QUÁT
1. Người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.
Ninh Thuận là một tỉnh cực Nam Trung bộ, có người Chăm cư trú lâu đời cho đến ngày nay. Dân tộc Chăm cùng chung sống với 54 cộng đồng các dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam thống nhất. Các dân tộc cùng nhau bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình, đồng thời góp phần vào phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Dân tộc Chăm có bề dày lịch sử, có một nền văn hóa độc đáo, phong phú và đa dạng. Hiện nay, còn bảo lưu nhiều di sản văn hoá vật chất và tinh thần có giá trị như kiến trúc đền tháp, thánh đường, văn học nghệ thuật, điêu khắc, âm nhạc, điệu múa, các lễ nghi trong tín ngưỡng dân gian.
Ở Ninh Thuận người Chăm tập trung đông nhất ở 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng cây lúa nước là chính và chăn nuôi đàn gia súc gia cầm là thế mạnh nhất. Ngoài ra, có 2 thôn chuyên làm nghề tiểu thủ công nghiệp như nghề gốm mỹ nghệ ở thôn Vĩnh Thuận và nghề dệt thổ cẩm ở thôn Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước.
Người Chăm Ahier ảnh hưởng Bàlamôn giáo của Ấn Độ và Chăm Awal ảnh hưởng Hồi giáo của khối Ả Rập. Ngoài ra, còn có một bộ phận nhỏ người Chăm theo Islam giáo (Hồi giáo mới hay Hồi giáo chính thống) mới du nhập vào Ninh Thuận trong những năm 1960 của thế kỉ XX. Trong quá trình du nhập Bàlamôn giáo và Hồi giáo, người Chăm đã tiếp biến, kết hợp với tính ngưỡng bản địa, cải biên cho phù hợp với truyền thống của dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa Chăm.
2. Tín ngưỡng-tôn giáo của người Chăm Ninh Thuận.
Hiện nay, tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc Chăm thật đáng lo ngại do thiếu người lãnh đạo tinh thần có trình độ kế nghiệp, thiếu tổ chức mang tính khoa học, văn hóa truyền thống đang bị biến đổi. Mặt khác, do sự tác động của cơ chế thị trường cùng với việc truyền đạo trái phép ở các thôn làng Chăm, làm cho một số người Chăm quay lưng với tín ngưỡng thờ ông bà tổ tiên, từ bỏ đức tin truyền thống để theo các tôn giáo mới. Thực trạng trên đã làm xáo trộn đời sống, văn hóa xã hội, làm phát sinh mâu thuẫn trong gia đình dòng tộc và xóm làng.
Thực chất dân tộc Chăm không có tôn giáo điển hình, mà chỉ có tín ngưỡng mang tính chất tôn giáo thông qua các lễ nghi dòng tộc và nghi lễ cộng đồng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong quá trình phát triển tộc người Chăm sớm có sự giao lưu văn hoá, quan hệ thương mại với quốc tế. Nhờ vậy, mà tiếp thu Bàlamôn giáo của Ấn Độ và Hồi giáo của khối Ả Rập. Quá trình tiếp nhận văn hoá bên ngoài, người Chăm cải biên nó trên cơ sở nền tảng văn hóa bản địa hình thành nên nét văn hóa riêng của người Chăm. Từ đó, Bàlamôn giáo và Hồi giáo mang sắc thái văn hóa bản địa được bảo lưu trong cộng đồng Chăm Ahier và Chăm Awal mà không có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Đối với người Chăm thì Bàlamôn giáo là thuộc phái Nam còn Hồi giáo Bàni là thuộc phái Nữ, 2 tín ngưỡng-tôn giáo được ví như là vợ với chồng. Do vậy, 2 tín ngưỡng-tôn giáo này có vai trò chi phối mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của người Chăm.
2.1. Trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo của người Chăm ở Ninh Thuận.
Đền tháp và thánh đường là nơi thờ phượng thần linh, nơi tổ chức cúng bái các lễ nghi theo phong tục và cũng là nơi sinh hoạt tôn giáo. Ninh Thuận có 7 cái thánh đường Sang Magik ở 7 thôn làng Chăm Awal tôn thờ Po Awluah do người Chăm Awal quản lý, có vật tổ là Cây trượng thần Agai bhong và 3 ngôi tháp tôn thờ các thần yang do người Chăm Ahier quản lý, có vật tổ là Baganrac hành lễ của tăng lữ pasaih và 18 đền thờ thần yang danaok yang ở các thôn làng Chăm Ahier. Các trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo người Chăm gọi chung là “Tijuh halau klau bimong” đứng đầu 7 thánh đường của người Chăm Awal thì có 7 vị Sư cả Po GruU_, còn đứng đầu 3 cái đền tháp của người Chăm Ahier thì có 3 vị Cả sư Po Adhia.
2.1.1. Hệ thống các đền tháp ở 3 khu vực Chăm Ahier.
1- Khu vực tháp Po Klaong Girai thì có các tín đồ thôn Như Ngọc, Bình Chữ, Hoài Trung, Hoài Ni, Chất Thưởng, Hiếu lễ, Phước Đồng 1, Phước Đồng 2, Phú Nhuận, Thành Ý và Bỉnh Nghĩa đến cúng lễ hàng năm.
2- Khu vực đền Po Inâ Nagar thì có các tín đồ thôn Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức và Vĩnh Thuận đứng ra tổ chức và quản lý việc cúng lễ.
3- Khu vực tháp Po Ramé thì có các tín đồ thôn Hậu Sanh, Vụ Bổn, Hiếu Thiện, Phước Lập, Chung Mỹ và Mỹ Nghiệp đảm nhận vai trò tổ chức các công lễ trên đền tháp.
2.1.2. Hệ thống các đền thờ thần yang ở các thôn làng Chăm
1./ Đền Po Bin Thuer tại Bĩnh nghĩa, Bắc sơn, Thuận Bắc.
2./ Đền Po Bia Soy tại Bĩnh nghĩa, Bắc sơn, Thuận Bắc.
3./ Đền Po Inâ Nâgar hamu kut tại Bĩnh nghĩa, xã Bắc sơn, huyện Thuận Bắc
4./ Đền Po giray bhaok tại Sông pha, huyện Ninh sơn.
5./ Đền Po klaong Kasat tại Lương tri, huyện Ninh sơn.
6./ Đền Po Klaong Giray tại thôn Phước đồng 2, xã Phước hậu, huyện Ninh phước.
7./ Đền Po Riyak tại thôn Phước đồng, xã Phước hậu, huyện Ninh phước.
8./ Đền Po Sah tại thôn Chất thường, xã Phước hậu, huyện Ninh phước.
9./ Đền Po Bia Nai Kuen tại thôn Hoài trung, xã Phước thái, huyện Ninh phước.
10./ Đền Po Nai Riki Nai Rikit tại thôn Như bình xã Phước thái, huyện Ninh phước.
11./ Đền Po Inâ Nagar tại thôn Hữu đức, xã Phước hữu, huyện Ninh phước.
12./ Kut Po Klaong Hlau tại thôn Hữu đức, xã Phước hữu, huyện Ninh phước.
13./ Đền Po Klaong Can tại thôn Vĩnh thuận, thị trấn Phứơc dân, huyện Ninh phước.
14./ Đền Po Riyak tại thôn Mỹ nghiệp, thị trấn Phứơc dân, huyện Ninh phước.
15./ Đền Po Nai trên núi chà bang, huyện Thuận nam.
16./ Đền Po Ramé tại thôn Hậu sanh, xã Phước hữu, huyện Ninh phước.
17./ Đền Po Inâ nagar hamu mabek tại thôn Vụ bổn, xã Phước ninh, huyện Thuận nam.
18./ Đền Po Riyak tại khu vực Sơn hải, huyện Thuận nam.
2.1.3. Hệ thống các thánh đường Ninh thuận
1- Thánh đường thôn Văn Lâm sang magik ram, huyện Thuận nam.
2- Thánh đường thôn Thành Tín sang magik cuah patih huyện Ninh Phước.
3- Thánh đường thôn Tuấn Tú sang magik patuh huyện Ninh phước.
4- Thánh đường thôn Phú Nhuận sang magik baoh deng huyện Ninh Phước.
5- Thánh đường thôn Lương Tri sang magik cang huyện Ninh sơn,
6- Thánh đường thôn An Nhơn sang magik pamblap klah huyện Ninh hải.
7- Thánh đường thôn Phước Nhơn sang magik pamblap biruw huyện Ninh hải.
Quảng Văn Đại