MỐI QUAN HỆ TÍN NGƯỠNG – TÔN GIÁO CHĂM AHIER VÀ CHĂM AWAL
1. Tính biểu tượng trong tôn giáo.
Giữa người Chăm Ahier và Chăm Awal có sự quan hệ mặt thiết với nhau trong sinh hoạt phong tục, tập quán, thực hiện các lễ nghi tín ngưỡng dân gian. Mối quan hệ trên, bắt nguồn từ một triết lý sâu xa của các bậc tiền bối Chăm với quan niệm trong nam có nữ và trong nữ có nam. Biểu hiện ra bên ngoài là trang phục của tu sĩ 2 tôn giáo Chăm Ahier và Chăm Awal. Với triết lý, trong cuộc sống trên trần gian có cặp phạm trù giữa tính đực và tính cái. Đực và cái hay nam và nữ kết hợp lại với nhau để tái tạo nòi giống và là động lực thôi thúc sự phát triển. Theo quan niệm tôn giáo, người Chăm Ahier có chức sắc pasaih cốt lõi là nam, nhưng biểu tượng cho tính nữ thông qua cái ví đựng trầu Kadung Hala có hình dạng Yoni. Còn người Chăm Awal có chức sắc Po Acar cốt lõi là nữ, nhưng biểu tượng cho tính nam thông qua cái ví vắt vai Kadung Wak có hình dạng Linga.
2. Sinh hoạt tín ngưỡng dân gian.
Mặc dù giữa Chăm Ahier và Awal là 2 tín-ngưỡng tôn giáo khác nhau, nhưng trong tín ngưỡng dân gian lại có sự phối hợp giữa chức sắc pasaih và Acar cùng nhau thực hiện các nghi lễ của cộng đồng hay gia tộc. Các lễ tục mang tính cộng đồng thì có lễ tục Palao Kasah ở cuối nguồn vào đầu tháng 2 Chăm lịch và lễ tục Pacakap Halau Kraong ở đầu nguồn vào tháng 8 Chăm lịch. Khi các gia đình, tộc họ của người Chăm Ahier tiến hành lễ múa đêm Dayep, lễ múa lớn Rija Praong, các lễ cúng tế cho cho Po Luah như : Lễ tế trâu Barahuak kubaw, cúng dê barahuak pabaiy, cúng gà Barahuak manuk thì mời chức sắc Po Acar đến cúng lễ và chứng giám. Ngược lại, vào những thời điểm mở cửa tháp thì người Chăm Awal lên tháp cúng kính, đến tháng lễ hội Ramâwan thì người Chăm Ahier đến dâng lễ vật trong các thánh đường.
3. Hệ thống thần linh.
Người Chăm có tín ngưỡng đa thần, giữa người Chăm Ahier và Awal có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau nhưng có chung về thần linh. Người Chăm Ahier thì tôn thờ các thần linh ở đền tháp, còn người Chăm Awal thì tôn thờ Po Uw Luah ở trong thánh đường. Dù đối tượng thờ phượng là thần linh trong thánh đường hay trong đền tháp đều là những thần linh chung của người Chăm theo tín ngưỡng đa thần. Do đó, khi cần cúng kính, khấn nguyện người Chăm có thể đến các thánh đường hay lên đền tháp.
4. Lịch pháp trong tín ngững tôn giáo
Lịch người Chăm Ahier gọi là Sakawi Ahier, lịch người Chăm Awal gọi là Takawi Awal. Hai loại lịch có chức năng sử dụng khác nhau trong việc sinh hoạt tôn giáo: Lịch Chăm Ahier thì sử dụng chung cho cả 2 cộng đồng tôn giáo. Đặc biệt, là trong tín ngưỡng dân gian, các lễ tục trên đền tháp, lễ cưới, dựng nhà, vào nhà mới, các lễ nghi nông nghiệp.v.v…. Còn lịch Chăm Awal thì chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp, phục vụ việc hành lễ vào dịp lễ Ramâwan và Ikak Waha. Vì rằng lịch Chăm Awal còn lệ thuộc vào lịch Hồi giáo quốc tế của khối Ả Rập.
5. Một số đặc điểm trong tín ngưỡng-tôn giáo người Chăm
- Tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm trong thời Pháp thuộc rất có quy cũ và quy luật. Mọi vấn đề sinh họat tôn giáo, phong tục tập quán đều dưới sự điều hành và chỉ đạo của quan huyện An Phước. Các thành phần chức sắc của tôn giáo chỉ có vai trò và trách nhiệm hành lễ là chính. Vì rằng, quan huyện là một người tinh thông chữ nghĩa, am hiểu phong tục tập quán, lịch pháp cho nên mọi vấn đề xảy ra thì quan huyện kịp thời giải quyết. Chức sắc Ahier và Awal gặp nhau tại thánh đường 3 năm một lần tại lễ Suk Yéng. Trong lễ Suk Yéng có sự tham gia đầy đủ của 3 Cả sư, Phó Cả sư của 3 đền tháp và 7 Sư cả, 7 ông Imâm Tal của 7 thánh đường và thân hào, nhân sĩ, trí thức Chăm của 2 tôn giáo cùng tham dự. Tính chất, mục đích, ý nghĩa của ngày lễ Suk Yéng như một ngày hội, một cuộc họp rất quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo để thảo luận về các vấn đề như :
- Tổng kết hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trong 3 năm qua.
- Quyết định lịch pháp cho 3 năm sắp tới.
- Dự lễ cầu an Ricaow trong thánh đường đồng thời khấn vái Po AwLuah phù hộ độ trì cho tất cả mọi người.
- Khi tăng lữ pasaih và tăng lữ acar gặp nhau thì đọc câu thần chú ngăn nghiệp chướng tiếng Chăm gọi là Puec panuec paklah. Trong ngày lễ Suk Yéng phải có lãnh đạo chức sắc của 2 tăng lữ tham dự tại thánh đường. Theo quan niệm tôn giáo, 3 năm một lần vào ngày lễ Suk Yéng biểu tượng cho nam gặp nữ, tính đực giao hoà với tính cái. Như vậy, thì vạn vật sinh sôi nẩy nở, mùa màng tươi tốt bội thu và gia đình ấm no hạnh phúc. Trong lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo đã xây dựng tổ chức chặt chẽ, đi vào nề nếp và rất trang nghiêm trong việc hướng dẫn các tín đồ hành lễ, cúng kính. Tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm Ninh Thuận có sự biến chuyển lớn từ năm 1960, bắt nguồn từ Islam giáo du nhập vào thôn Văn Lâm. Trong thời gian này, xung đột tôn giáo bắt đầu bùng nổ giữa Chăm Islam và Chăm Awal, gây ra sự rạn nức gia đình, tộc họ, từ bỏ việc thờ cúng ông bà tổ tiên, ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương.
- Vấn đề lịch pháp giữa Chăm Ahier và Chăm Awal vẫn tồn tại sự chênh lệch chưa có thống nhất được cách tính lịch. Trên nguyên tắc, trong tín ngưỡng dân gian thì dùng chung một lịch pháp Chăm Ahier.Tuy nhiên, việc đưa ra công thức tính lịch pháp Chăm Ahier thì không nhận được sự đồng thuận trong giới chức sắc Awal. Do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng người Chăm. Những bất hoà trong một cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo với nhau cũng rất khó khăn để giải quyết và đã từng xảy ra khiến cho nội bộ người Chăm mất đoàn kết, an ninh chính trị địa phương bị xáo trộn.
Quảng Văn Đại
">